Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

Về một thi pháp thơ chữ Hán

Nghiên cứu thi pháp thơ chữ Hán trong thi ca Việt Nam, GS Nguyễn Tài Cẩn nhận thấy các nhà thơ Việt Nam khi làm thơ chữ Hán (Đường luật) đều tuân thủ theo thi pháp thơ chữ Hán như các nhà thơ Trung Quốc, ngoại trừ một trường hợp khác biệt [*]. Cụ thể, cũng giống như các nhà thơ Trung Quốc, các nhà thơ Việt Nam coi mỗi chữ (âm tiết) là một tự, không phải là một âm. Do đó các nhà thơ có thể gieo vần trùng hoàn toàn âm, nhưng chữ là khác nhau thì không bị coi là lặp từ (ví dụ các nhà thơ có thể dùng hai từ hoa (華,花) làm hai vần trong một bài thơ mà không bị coi là mắc lỗi lặp từ tuy âm hoàn toàn giống nhau). Các nhà thơ Việt Nam cũng hoàn toàn tuân thủ theo nguyên tắc gieo vần theo Quảng vận (ngoại trừ một trường hợp khác biệt sẽ nói ở dưới). Do đó ở một số trường hợp tuy bài thơ làm đúng vần theo Quảng vận, nhưng đọc âm Hán-Việt nghe không được êm tai. Ví dụ như bài "Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ" của Nguyễn Du:

耒陽杜少陵墓

天古文章天古師
平生佩服未常離
耒陽松柏不知處
秋浦魚龍有所思
異代相憐空灑淚
一窮至此豈工詩
棹頭舊症醫痊未
地下無令鬼輩嗤

Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ

Thiên cổ văn chương thiên cổ sư
Bình sinh bội phục vị thường ly
Lỗi Dương tùng bách bất tri xứ
Thu phố ngư long hữu sở tư
Dị đại tương liên không sái lệ,
Nhất cùng chí thử khởi công thi ?
Trạo đầu cựu chứng y thuyên vị ?
Ðịa hạ vô linh quỉ bối xi

Dịch thơ :

Mộ Đỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương

Thơ thiên cổ cũng thầy thiên cổ,
Vốn một lòng ngưỡng mộ bấy nay.
Lỗi Dương tùng bách đâu đây ?
Cá rồng thu lạnh sông đầy nhớ thương,
Há văn chương lụy người đến thế ?
Chạnh nghìn xưa dòng lệ khôn ngăn,
Lắc đầu bệnh cũ còn chăng ?
Suối vàng chớ để mấy thằng quỉ trêu.

(Bản dịch của Quách Tấn)

Trong bài thơ này, các vần sư (師) thuộc vận chi (脂), vần ly (離) thuộc vận chi (支), và các vần tư (思), thi (詩), xi (嗤) đều thuộc vận chi (之). Cả ba vận chi này ( 脂,支,之) đều thuộc nhiếp chỉ (止). Như vậy các vần tư, thi, xi thuộc cùng một vận, còn các vần sư, ly thuộc bàng vận của vận chi (之). Bài thơ trên hoàn toàn phù hợp với luật thơ Đường khi các vần có thể thuộc cùng một vận (chính vận) hay thuộc các vận lân cận trong cùng một nhiếp (bàng vận) theo Quảng vận. Thế nhưng đọc bài thơ trên bằng âm Hán-Việt ta thấy các vận không hẳn đã vần êm tai: sư với vần ư không hẳn vần với vần y của từ ly, từ thi với vần i không hẳn vần với vần ư của từ tư. Những đặc điểm thi pháp này của thơ chữ Hán khác với thơ chữ Nôm và ca dao. Phần lớn thơ chữ Nôm và ca dao, các vần được gieo theo vần âm Việt (tỷ lệ vi phạm không cao), chẳng hạn rất khó tìm thấy bài thơ chữ Nôm hay bài ca dao nào có vần ư gieo vần với các từ có vần i. Như vậy nói chung thi pháp thơ chữ Hán của các nhà thơ Việt Nam không khác với thi pháp thơ chữ Hán của các nhà thơ Trung Quốc. Tuy nhiên có một trường hợp ngoại lệ: các nhà thơ Việt Nam đã phá bỏ nguyên tắc gieo vần theo Quảng vận khi các vần quá hài hoà theo cách đọc Hán-Việt. Đó là trường hợp gieo vần các vận ca (歌), qua (戈) với vận ma (麻). Theo Quảng vận các vận ca, qua thuộc nhiếp quả (果), còn vận ma lại thuộc nhiếp giả (假), có nghĩa là các vận này không thể nào là bàng vận của nhau. Ví dụ, thuộc vận ca có các từ: ca (歌), ca (哥), nga (鵝), hà (河), la (羅), đa (多), tha (他) ...., thuộc vận qua có các từ: qua (戈), khoa (科), hoà (和), ba (波), pha (坡), ma (摩), ..., thuộc vận ma có các từ: ma (麻), gia (家), gia (加), nha (牙), hà (霞), sa (紗), ba (巴), xa (車), qua (瓜), hoa (花), hoa (華) ... Các nhà thơ Trung Quốc không bao giờ gieo các vần thuộc vận ca, qua với các vần thuộc vận ma. Ở thơ chữ Hán của Việt Nam mới thấy xuất hiện cách gieo vần kiểu này vì theo cách đọc Hán-Việt các vận ca, qua, ma quá hài hoà với nhau. Ví dụ như bài thơ "Hàn Tín giảng binh xứ" của Nguyễn Du các từ thuộc các vận ca, qua đã được gieo vần với từ "gia" thuộc vận ma:

韓信講兵處

百萬旌麾渡北河
燕郊地下友沉戈
悠悠事後二千載
蕩蕩城邊一片沙
噲伍未成甘碌碌
君前猶自善多多
可憐十世山河在
厚誓徒延絳灌家

Hàn Tín giảng binh xứ

Bách vạn tinh huy bắc độ Hà
Yên giao địa hạ hữu trầm qua
Du du hậu sự nhị thiên tải
Ðãng đãng thành biên nhất phiến sa
Khoái ngũ vị thành cam lục lục
Quân tiền do tự thiện đa đa
Khả liên thập thế sơn hà tại
Hậu thệ đồ diên Giáng, Quán gia

Dịch thơ:

Chỗ Hàn Tín luyện quân

Hoàng Hà trăm vạn lá cờ bay
Gươm giáo còn chôn dưới đất này
Xa tít hai nghìn năm chuyện cũ
Mênh mông một bãi cát thành nay
Tướng thua, bậc thấp ngang Phàn Khoái
Vua hỏi, quân nhiều đánh lại hay
Nhà Hán mười đời cơ nghiệp nối
Lời thề ... Giáng, Quán số còn may !

(Bản dịch từ trang nhà Nguyễn Du của Đặng Thế Kiệt)

Từ những phát hiện này, GS Nguyễn Tài Cẩn còn đưa ra nhận định là giai thoại đối đáp thơ giữa thiền sư Pháp Thuận và Lý Giác rất có thể là sản phẩm tưởng tượng của người Việt Nam, tuy giai thoại này được chép trong chính sử. Bốn câu thơ đối đáp trong giai thoại này là:

鵝 鵝 兩 鵝 鵝
仰 面 向 天 涯
白 毛 鋪 綠 水
紅 棹 擺 青 波

Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng nhiên nha
Bạch mao phô lục thuỷ
Hồng trạo bãi thanh ba

(Ngỗng ngỗng hai con ngỗng
Ngửa mặt nhìn chân trời
Nước lục phô lông trắng
Chèo hồng sóng xanh bơi)

(Theo Đại Việt sử ký toàn thư)

Ở đây vần nga (鵝), thuộc vận ca (歌), vần nhai (còn đọc là nha) (涯) thuộc vận giai (佳) đồng thời cũng thuộc vận ma (麻), vần ba (波) thuộc vận qua (戈). Vần nhai thuộc vận ma có thể quan sát thấy ngay trong thơ chữ Hán của người Trung Quốc, ví dụ như bàiVô đề sau của Lý Thương Ẩn:

Văn đạo Xương môn Ngạc Lục Hoa
Tích niên tương vọng đế thiên nha
Khởi tri nhất dạ Tần lâu khách
Thâu khán Ngô vương uyển nội hoa

Dịch thơ:

Nghe nói Xương môn có Lục Hoa
Năm xưa cùng ước đến thiên hà
Há hay khách gác Tần đêm ấy
Vườn uyển cung Ngô trộm ngắm hoa
(Đông A dịch)

Các vần hoa (華,花) ở bài thơ này thuộc vận ma. Như vậy gieo vần nhai với các vần hoa, ma, gia, xa ... của vận ma không có gì vi phạm Quảng vận. Nhưng ở bốn câu thơ đối đáp trên của thiền sư Pháp Thuận và Lý Giác các vần được gieo đã vi phạm Quảng vận: vần nga của vận ca lại gieo vần với vần nhai của vận ma, vần nhai của vận ma lại được gieo vần với vần ba của vận qua. Chỉ có vận ca, vận qua là bàng vận. Vận ma thuộc nhiếp hoàn toàn khác với vận ca, qua. Do đó không thể nào một người Tống như Lý Giác lại có thể vi phạm thi pháp thơ Đường. Đó chỉ có thể là sản phẩm của người Việt Nam. Nguồn gốc của bốn câu thơ trên có lẽ có xuất xứ từ bài Vịnh nga của Lạc Tân Vương

鵝 鵝 鵝
曲 項 向 天 歌
白 毛 浮 綠 水
紅 掌 撥 清 波

Nga nga nga
Khúc hạng hướng thiên ca
Bạch mao phù lục thuỷ
Hồng chưởng bát thanh ba

Ở đây các vần được gieo hoàn toàn phù hợp với Quảng vận: nga, ca thuộc vận ca, còn ba thuộc vận qua, là bàng vận của vận ca. Đường thi không thể vi phạm nguyên tắc gieo vần theo Quảng vận.


Phát hiện thi pháp đặc biệt này của GS Nguyễn Tài Cẩn trong thơ chữ Hán Đường luật của người Việt có lẽ cũng không có vấn đề, nếu như người viết không tình cờ phát hiện hiện tượng tương tự trong thi pháp thơ chữ Hán của người Nhật và người Triều Tiên. Ở một số bài thơ chữ Hán của người Nhật và người Triều Tiên cũng có hiện tượng gieo vần hai vận bộ qua, ca với vận bộ ma. Ví dụ như bài "Bách hoa hiên" của Lý Triệu Niên (Yi Jonyeon, 李兆年, người Triều Tiên) sau
百花軒

爲報栽花更莫加
數盈於百不須過
雪梅霜菊情標外
浪紫浮紅也漫多

Bách hoa hiên

Vị báo tài hoa cánh mạc gia
Sổ doanh ư bách bất tu qua
Tuyết mai sương cúc tình tiêu ngoại
Lãng tử phù hồng dã mạn đa

Ở bài thơ này các vần gia thuộc vận ma đã gieo vần với vần qua thuộc vận qua và vần đa thuộc vận ca và như vậy là đã trái với nguyên tắc gieo vần của người Trung quốc, nhưng lại phù hợp với nguyên tắc gieo vần của người Việt. Tương tự như vậy bài thơ sau của Rai Sanyo (頼山陽, Lại San Dương) người Nhật cũng cho thấy cách gieo vần giữa hai vận bộ ca và ma

題不識庵撃機山図

鞭声粛粛夜渡河   
暁見千兵擁大牙   
遺恨十年磨一剣   
流星光底逸長蛇

Đề Bất thức am kích Ky San đồ

Tiên thanh túc túc dạ độ hà
Hiểu kiến thiên binh ủng Đại Nha
Di hận thập niên ma nhất kiếm
Lưu tinh quang để dật Trường Xà

Ở bài thơ này vần hà thuộc vận ca đã gieo với vần nha, xà thuộc vận ma.

Vậy tại sao thi pháp thơ chữ Hán này chỉ thấy xuất hiện ở các nước đồng văn với Trung Quốc, trong khi ở chính Trung Quốc lại không xuất hiện ? Ngoài ra tiếng Việt, tiếng Hàn, tiếng Nhật thuộc các hệ ngôn ngữ khác nhau và phải chăng trong các ngôn ngữ này các vần thuộc vận ca, qua quá hài hoà với các vần thuộc vận ma nên các nhà thơ đã phá bỏ nguyên tắc Quảng vận mặc dù họ luôn tuân thủ quy tắc này một cách chặt chẽ ở các trường hợp khác ? Hay thực sự ở đó còn có nguyên nhân nào khác trong quá trình truyền bá Hán ngữ ra khỏi biên giới Trung Hoa ?

Đông A

[*] Nguyễn Tài Cẩn, Ảnh hưởng Hán văn Lý Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ NguyễnTrung Ngạn (NXB Giáo dục, Hà Nội 1988) .

Phụ chú

Sau khi đăng bài trên ở một diễn đàn, một bạn trong diễn đàn cho biết người Trung Quốc cũng có những bài thơ gieo vần bộ ca, ma với nhau, ví dụ như các bài thơ sau

Bài Hiệu Đào Bành trạch của Vi Ứng Vật

效 陶 彭 澤

霜 露 悴 百 草
時 菊 獨 妍 華
物 性 有 如 此
寒 暑 其 奈 何
掇 英 泛 濁 醪
日 入 會 田 家
盡 醉 茅 檐 下
一 生 豈 在 多

Hiệu Ðào Bành Trạch

Sương lạc tụy bách thảo
Thì cúc độc nghiên hoa
Vật tính hữu như thử
Hàn thử kỳ nại hà
Xuyết anh phiếm trọc giao
Nhật nhập hội điền gia
Tận túy mao thiềm hạ
Nhất sinh khởi tại đa

Viên Tử Tài trong Tùy Viên Thi Thoại (thoại số 127) có chép lại một bài thơ của một người bạn ông (Trương Sán) mà ông lấy làm đắc ý như sau:


書 畫 琴 棋 詩 酒 花
當 年 件 件 不 离 他
而 今 七 事 都 更 變
柴 米 油 鹽 醬 醋 茶

Thư họa cầm kỳ thi tửu hoa
Ðương niên kiện kiện bất ly tha
Nhi kim thất sự đô canh biến
Sài mễ du diêm tương thố trà

Như vậy nhận xét của GS Nguyễn Tài Cẩn còn có những điểm chưa trọn vẹn. Câu chuyện về thiền sư Pháp Thuận và Lý Giác vẫn chưa có cơ sở để nghi ngờ tính chân thực của nó.

BÓNG CHA GIÀ

Mười lăm năm một bước đường
Ðau lòng lữ thứ đoạn trường Cha ơi
Ðêm dài tưởng tượng Cha ngồi
Gối cao tóc trắng rã rời thân con
Phù sinh một kiếp chưa tròn
Chiêm bao cánh hạc hãi hùng thiên cơ
Tuần trăng cữ nước tình cờ
Lạc loài du tử mắt mờ viễn phương
Tàn canh mộng đổ vô thường
Bơ vơ quán trọ khói hương đọa đày.
                                           Tuệ Sỹ



ÁC MỘNG RỪNG KHUYA

Lại ác mộng bởi rừng khuya tàn bạo đấy, 
Thịt xương người vung vãi lối anh đi. 
Nhưng đáy mắt không căm thù đỏ cháy, 
Vì yêu em trên cây lá đọng sương mai. 


Anh chiến đấu nhọc nhằn như cỏ dại,
Thoảng trông em tà áo mỏng vai gầy. 
Ôi hạnh phúc, anh thấy mình nhỏ bé, 
Chép tình yêu trên trang giấy trắng thơ ngây. 


Ðời khách lữ biết bao giờ yên nghỉ, 
Giữa rừng khuya nằm đợi bóng sao Mai. 
Ðể một thoáng giấc mơ còn kinh dị, 
Dáng em buồn bên suối nhỏ mây bay.
                                                 Tuệ Sỹ




TIẾU KHÚC PHẬT ĐẢN

Sông Hằng một dải trôi mau;
Vận đời đôi ngã bạc đầu Vương gia.
Tuyết sơn phất ngọn trăng già,
Bóng Người thăm thẳm vượt qua chín tầng.
Cho hay Bồ tát hậu thân,
Chày kình chưa chuyển tiếng vần đã xa.
Sườn non một bóng Đạo già
Trầm tư năm tháng bên bờ tử sinh.
Nhìn Sao mà ngỏ sự tình:
Ai người Đại Giác cho minh quy y?
Năm chầy đá ngủ lòng khe;
Lưng trời cánh hạc đi về hoàng hôn.


Trăng gầy nửa mảnh soi thềm,
U ơ tiếng Trẻ, êm đềm Vương cung.
Sao trời thưa nhặt mông lung;
Mấy ai thấu rõ cho cùng nghiệp duyên.
Khói mơ quấn quýt hương nguyền,
Hợp tan là lẽ ưu phiền đấy thôi.


Vườn Hồng khóa nẻo phỉnh phờ,
Cùng trong cõi Mộng chia bờ khổ đau.


Thời gian vỗ cánh ngang đầu;
Sinh, già, bịnh, chết, tránh đâu vận cùng.
Khổ đau là khối tình chung,
Ai nâng cõi Thế qua bùn tử sinh?
                                             Tuệ Sỹ

T.S. Mùa Phật Đản 2549


Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

Tôi vẫn đợi


Tôi vẫn đợi những đêm dài khắc khoải 
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng 
Trong bóng tối hận thù, tha thiết mãi 
Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng 
Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió 
Màu đen tuyền ánh mắt tự ngàn xưa 
Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử 
Dài con sông tràn máu lệ quê cha 
Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ 
Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương 
Người ở lại giữa lòng tay bạo chúa 
Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương 
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng 
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu 
Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng 
Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều

                                           Tuệ Sỹ




Tự tình


Còn nghe được tiếng ve sầu 
Còn yêu đốm lửa đêm sâu bập bùng 
Quê người trên đỉnh Trường Sơn 
Cho ta gởi một nỗi hờn thiên thu

                                      Tuệ Sỹ



Tống biệt hành


Một bước đường thôi nhưng núi cao 
Trời ơi mây trắng đọng phương nào 
Đò ngang neo bến đầy sương sớm 
Cạn hết ân tình, nước lạnh sao? 
Một bước đường xa, xa biển khơi 
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời 
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ 
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi 
Cho hết đêm hè trông bóng ma 
Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà 
Trời không ngưng gió chờ sương đọng 
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa 
Cho hết mùa thu biệt lữ hành 
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh 
Ta so phấn nhụy trên màu úa 
Trên phím dương cầm, hay máu xanh


                                   Tuệ Sỹ


Thương nhớ


Mười lăm năm một bước đường 
Đau lòng lữ thứ đoạn trường Cha ơi 
Đêm dài tưởng tượng Cha ngồi 
Gối cao tóc trắng rã rời thân con 
Phù sinh một kiếp chưa tròn 
Chiêm bao hạc trắng hãi hùng thiên cơ 
Tuần trăng cữ nước tình cờ 
Lạc loài du tử mắt mờ viễn phương 
Tàn canh mộng đổ vô thường 
Bơ vơ quán trọ khói sương đọa đày

                                    Tuệ Sỹ



Tiếng gà gáy trưa


Gà xao xác gọi hồn ta từ quá khứ 
Về nơi đây cùng khốn với điêu linh 
Hương trái đắng mùa thu buồn bụi cỏ 
Ôi ngọt ngào đâu mái tóc em xinh 
Từng tiếng lẻ loi buồn thống thiết 
Nghe rộn ràng từ vết lở con tim 
Từ nơi đó ta ghi lời vĩnh biệt 
Nắng buồn ơi là đôi mắt ân tình 
Còi xa vắng giữa trưa nào lạc lõng 
Môi em hồng ta ước một vì sao 
Trưa dài lắm nhưng lòng tay bé bỏng 
Để vươn dài trên vừng trán em cao
                                       Tuệ Sỹ


Tiếng nhạc vọng


Ta nhớ mãi ngày Đông tràn ruợu ngọt 
Ngày hội mùa ma quỷ khóc chơi vơi 
Trưa phố thị nhạc buồn loang nắng nhạt 
Chìm hư vô đáy mắt đọng ngàn khơi 
Đây khúc nhạc đưa hồn lên máu đỏ 
Bước luân hồi chen chúc cọng lau xanh 
Xô đẩy mãi sóng vàng không bến đỗ 
Trôi lênh đênh ma quỷ rắc tro tàn 
Vẫn khúc điệu tự ngàn xưa ám khói 
Ép thời gian thành ruợu máu trong xanh 
Ruợu không nhạt mà thiên tài thêm cát bụi 
Thì ân tình ngây ngất cõi mong manh 
Ôi tiết nhịp thiên tài hay quỉ mị 
Xô hồn ta lảo đảo giữa tường cao 
Trưa dài lắm ta luân hồi vô thủy 
Đổi hình hài con mắt vẫn đầy sao
                             Tuệ Sỹ

Trại giam X.4 Sài gòn 79
 






Trúc và nhện



Nắng sớm in tường bạc 
Trúc gầy ngả bóng xanh 
Tâm tư lắng tĩnh mặc 
Tơ nhện buông xuôi cành 


Trúc biếc che ngày nắng 
Hương chiều đuổi mộng xa 
Phương trời nhuộm ráng đỏ 
Tóc trắng nhện tơ lòa 


Gió khẽ lay cành trúc 
Huơng vàng ánh nhện tơ 
Buông rời giấc tịnh tọa 
Nghe động phương trời xa 


Ngõ vào qua khóm trúc 
Cửa khép vượt đường mây 
Tá túc trăng hờn nhện 
Nghiêng nghiêng áo lụa dài 


Trúc già ngọn phơi phới 
Trời hận tuôn mưa rào 
Nặng trĩu tình tơ nước 
Trúc già lặng cúi đầu

                     Tuệ Sỹ




Trầm mặc


Anh ôm chồng sách cũ 
Trầm mặc những đêm dài 
Xót xa đời lữ khách 
Mệnh yểu thế mà hay


                      Tuệ Sỹ




Trăng


Nhà đạo nguyên không khách 
Quanh năm bạn ánh đèn 
Thẹn tình trăng liếc trộm 
Bẽn lẽn núp sau rèm 


Yêu nhau từ vạn kiếp 
Nhìn nhau một thoáng qua 
Nhà đạo nguyên không nói 
Trăng buồn trăng đi xa
                        Tuệ Sỹ




Vết rạn


Áo lụa mỏng đẹp bờ vai thiếu phụ 
Tóc nàng xanh chỉ nói một tình riêng 
Tôi nhạc sỹ, nhưng âm thầm ngược gió 
Nàng yêu chồng cho giấc ngủ bình yên 
Nắng lụa đỏ phủ tường rêu xám bạc 
Lá cây xanh nghiêng xuống mắt mơ màng 
Người có biết mặt trời kia sẽ tắt? 
Tôi yêu người từ vết rạn thời gian
                                       Tuệ Sỹ


Nhớ dương cầm


Tự hôm nào suối tóc ngọt lời ca 
Tay em rung trên những phím lụa ngà 
Thôi huyễn tượng xô người theo cát bụi 
Vùng đất đỏ bàn chân ai bối rối 
Đạp cung đàn sưong ứa đọng vành môi 
Đưòng xanh xanh phơn phớt nụ ai cười 
Như tơ liễu ngại ngùng lay nắng nhạt 
Lời tiễn biệt nói gì sau tiếng hát 
Hỏi phương nào cho nguyện ước Trường Sơn 
Lời em ca phong kín nhụy hoa hờn 
Anh trĩu nặng núi rừng trong đáy mắt 
Mờ phố thị những chiều hôn suối tóc 
Bóng ai ngồi so phím lụa đàn xưa

                                     Tuệ Sỹ


Phố trưa


Phố trưa nắng đỏ cờ hồng 
Người yêu cát bụi đời không tự tình 
Sầu trên thế kỷ điêu linh 
Giấc mơ hoang đảo thu hình tịch liêu 
Hận thù sôi giữa ráng chiều 
Sông tràn núi lở nước triều mênh mông 
Khói mù lấp kín trời đông 
Trời ơi, tóc trắng rủ lòng quê cha 
Con đi xào xạc tiếng gà 
Đêm đêm trông bóng Thiên hà buồn tênh 
Đời không cát bụi chung tình 
Người yêu cát bụi quê mình là đâu?

                                Tuệ Sỹ


Quán trọ của ngàn sao


Mắt em quán trọ của ngàn sao 
Ngọt ngất hoang sơ ánh rượu đào 
Pha loãng nắng tà dâng cát bụi 
Ấm lòng khách lữ bước lao đao 
Mắt huyền thăm thẳm mượt đêm nhung 
Mưa hạt long lanh rọi nến hồng 
Sương lạnh đưa người xanh khói biển 
Bình minh quán trọ nắng rưng rưng
                                   Tuệ Sỹ

Trại giam Phan Đăng Lưu, Sài gòn 79 





Ta biết


Ta biết mi bọ rùa 
Gặm nhắm tàn dây bí 
Ta vì đời tranh đua 
Khổ nhọc mòn tâm trí 

Ta biết mi là dế 
Cắn đứt chân cà non 
Ta vì đời đổ lệ 
Nên phong kín nỗi hờn 

Ta biết mi là giun 
Chui dưới tầng đất thẳm 
Ta vì đời thiệt hơn 
Đêm nằm mơ tóc trắng

                     Tuệ Sỹ



Tĩnh thất

1.
Cho tôi một hạt muối tiêu 
Bờ môi em nhạt nắng chiều lân la 
Tôi đi chấn chỉnh sơn hà 
Hồng rơi vách đá mù sa thị thành 
Oct. 20 

2. 
Đến đi vó ngựa mơ hồ 
Dấu rêu còn đọng trên bờ mi xanh 

3. 
Nghìn năm trước lên núi 
Nghìn năm sau xuống lầu 
Hạt cải tròn con mắt 
Dấu chân người ở đâu? 

4. 
Ta không buồn 
có ai buồn hơn nữa? 
Người không đi 
sông núi có buồn đi? 
Tia nắng mỏng soi mòn khung cửa 
Để ưu phiền nhuộm trắng hàng mi 
Ta lên bờ 
nắng vỗ bờ róc rách 
Gió ở đâu mà sông núi thì thầm? 
Kìa bóng cỏ nghiêng mình che hạt cát 
Ráng chiều xa, ai thấy mộ sương dầm? 

5. 
Lon sữa bò nằm im bên chợ 
Con chó lạc 
đến vỗ nhịp 
trời mưa 
Tôi lang thang 
đi tìm cọng cỏ 
Nó nhìn tôi 
vô tư 

6. 
Thuyền ra khơi, có mấy tầng tâm sự? 
Nắng long lanh, bóng nước vọt đầu ghềnh 

7. 
Trời cuối thu se lạnh 
Chó giỡn nắng bên hè 
Nắng chợt tắt 
Buồn lê thê 

8. 
Lời rao trong ngõ hẽm: 
Đồng hồ điện! 
Cầu dao! 
Công tắc! 
Những lời rao chợt đến chợt đi 
Một trăm năm mưa nắng ra gì 
Cánh phượng đỏ đầu hè, ai nhặt? 

9. 
Nghe luyến tiếc như sao trời mơ ngủ 
Đêm mênh mông để lạc lối phù sinh 
Ánh điện đường vẫn nhìn trơ cửa sổ 
Ngày mai đi ta vẽ lại bình minh 

10. 
Để trong góc tim một quả xoài 
Khi buồn vớ vẩn lấy ra nhai 
Hỏi người năm cũ đi đâu hết? 
Còn lại mình ta trên cõi này 
Anh vẽ hình tôi, quên nửa hình 
Nửa nằm quán trọ, nửa linh đinh 
Nửa trên thiên giới, quần tiên hội 
Nửa thức đêm dài, ôi u minh 

11. 
Lặng lẽ nằm im dưới đáy mồ 
Không trăng không sao mộng vẩn vơ 
Tại sao người chết, tình không chết? 
Quay mấy vòng đời, môi vẫn khô 

12. 
Một hai ba 
những ngày quên lãng 
Tôi vùi đầu trong lớp khói mù 
Khói và bụi 
chen nhau thành tư tưởng 
Nhưng bụi đường lêu lỏng bến thâm u 

13. 
Bỏ mặc đàn bò đôi mắt tình diệu vợi 
Ta lên trời, làm Chúa Cả Hư Vô 
Nhìn xuống dưới mặt đất dày khói thuốc 
Loài người buồn cho chút nắng hong khô 

14. 
Giữa Thiên đường rong chơi lêu lổng 
Cõi vĩnh hằng mờ nhạt rong rêu 
Ta đi xuống quậy trần hoàn nổi sóng 
Đốt mặt trời vô hạn cô liêu 

15. 
Con trâu trắng thẩn thờ góc phố 
Nỗi hoài hương nhơi mãi nhúm trăng mòn 
Đám sẻ lạnh gật gù trên mái đỏ 
Sương chiều rơi có thấy lạnh nhiều hơn? 
Một chuỗi rắn rình mò trong hẻm nhỏ 
Không bụi đường đâu có chỗ đi hoang? 

16. 
Bứt cọng cỏ 
Đo bóng thời gian 
Dài mênh mang 

17. 
Cho xin chút hạt buồn thôi 
Để cho ngọn gió lên đồi rắc mưa 
Gió qua ngõ phố mập mờ 
Mưa rơi đâu đó mấy bờ cỏ lau 
Nắng trưa phố cổ úa màu 
Tôi đi qua mộng đồi cao giật mình 

18. 
Lão già trên góc phố 
Quằn quại trời mưa dông 
Áo lụa gầy hoa đỏ 
Phù du rụng xuống dòng 

19. 
Anh đi để trống cụm rừng 
Có con suối nhỏ canh chừng sao Mai 
Bóng anh dẫm nát điện đài 

20. 
Ôi nỗi buồn 
Thần tiên vĩnh cửu 
Nhớ luân hồi 
cát bụi đỏ mắt ai 

21. 
Tiếng muỗi vo ve 
Người giật mình tỉnh giấc 
Ngoài xa kia 
Ai đang đi? 

Nước lũ tràn 
Em nhỏ chết đuối 
Tôi ngồi trên bờ 
Vuốt ngọn cỏ mơ 

22. 
Người hận ta 
Bỏ đi trong thiên hà mộng du 
Bóng thiên nga bơ vơ 

Nghìn năm sau 
Trong lòng đất sâu 
Thắm hạt mưa rào 
Giọt máu đổi màu 

23. 
Hoang vu 
Cồn cát cháy 
Trăng mù 

Hoang vu 
Cồn cát 
Trăng mù 

Cỏ cây mộng mị 
Cơ đồ nước non 

24. 
Người đi đâu bóng hình mòn mỏi 
Nẽo tới lui còn dấu nhạt mờ 
Đường lịch sử 
Bốn nghìn năm dợn sóng 
Để người đi không hẹn bến bờ 

25. 
Gió cao bong bóng vỡ 
Mây sương rải kín đồng 
Thành phố không buồn ngủ 
Khói vỗ bờ hư không 

26. 
Đàn cỏ đứng gập ghềnh không ngủ 
Ngóng chân trời con mắt u linh 
Chân trời sụp ngàn cây bóng rủ 
Cổng luân hồi mở rộng bình minh 

27. 
Chờ dứt cơn mưa ta vô rừng 
Bồi hồi nghe khói lạnh rưng rưng 
Ngàn lau quét nắng lùa lên tóc 
Ảo ảnh vô thường, một thoáng chưng? 
Mùng 1 Tân Tỵ 

28. 
Ơ kìa, nắng đỏ hiên chùa 
Trăng non rỏ máu qua mùa mãn tang 
Áo thầy bạc thếch bụi đường 
Khói rêu ố nhạt vách tường dựng kinh 

29. 
Người không vui, ta đi về làm ruộng 
Gieo gió xuân chờ đợi mưa hè 
Nghe cóc nhái gọi dồn khe suối 
Biết khi nào phố chợ chắn bờ đê 
Mùng 1 tháng Giêng 

30. 
Thao thức đêm khuya trộm bóng ma 
Ẩn tình khách trọ, nến đâm hoa 
Chồi mai trẩy lá, mùa xuân đợi 
Đã quá mùa xuân ánh điện nhòa 

31. 
Ơi người cắt cỏ ở bên sông 
Nước cuộn ngoài khơi có bận lòng? 
Phấn liễu một thời run khóe mọng 
Hương rừng mờ nhạt rải tầng không 

32. 
Khói ơi bay thấp xuống đi 
Cho ta nắm lại chút gì thanh xuân 
Ta đi trong cõi vĩnh hằng 
Nhớ tàn cây nhỏ mấy lần rụng hoa


                                 Tuệ Sỹ